CẢM NGHĨ VỀ NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SỸ NĂM NAY

Tháng Bảy 6, 2020 4:05 chiều

CẢM NGHĨ VỀ NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SỸ NĂM NAY

           Đất nước ta, với bề dày bốn ngàn năm  lịch sử dựng nước và giữ nước. Những người con ưu tú của đất mẹ anh hùng đã một lòng quyết bảo vệ Tổ quốc, gìn giữ bờ cõi non sông đất nước. Đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” trở thành những bài ca bất tử của những người con ưu tú, bất khuất, kiên cường đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do cho dân tộc, vì sự toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam ta

             Truyền thống ngàn đời của dân tộc – đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” “Ăn quả nhớ người trồng cây”… đã trở thành một trong những nội dung cơ bản trong kho tàng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Truyền thống đó đã hun đúc lên khí phách con người Việt Nam trọng đạo lý, luôn tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái, khắc ghi những công lao to lớn của thế hệ cha anh đi trước. Đó là những anh hùng liệt sỹ, những người thương binh, bệnh binh đã không tiếc máu xương chiến đấu cho độc lập dân tộc, đến ngày hôm nay, những thương binh “tàn nhưng không phế” vẫn là những chiến sỹ kiên trung trên mặt trận xây dựng quê hương đất nước.

            Có biết bao nhiêu những gia đình mất con, mất cháu, những bà mẹ Việt Nam anh hùng, 2 lần tiễn con đi, 2 lần khóc thầm lặng lẽ, các anh không về để rồi lòng mẹ đau khôn cùng, cả đời mẹ trông ngóng các anh!

              Bố mẹ chồng tôi là một trong những gia đình có con đi chiến trường xung phong trên tuyến đầu của Tổ Quốc. Năm ấy chị tôi vừa tròn 18 tuổi, nghe tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chị đã gác sách bút cùng anh chị em lên đường nhập ngũ, những cánh thư đẹp như hoa Pơ Lang cứ đều đều chị tôi gửi về thăm bố mẹ dài theo năm tháng,  và rồi những cánh thư thưa dần khi chị tôi vào mặt trận phía tây nam, trải qua bao trận tuyến, cam go ác liệt và rồi chị tôi đã anh dũng hy sinh trong trận đánh tại Quy Nhơn. Hạm đội HẢI QUÂN 3 đã đưa chị tôi và một số anh chị em khác đã hy sinh lùi về hậu tuyến chôn cất vội vàng trong niềm thương tiếc vô cùng, để rồi tiến lên phía trước, Hải đội  đã nén đau thương thành hành động, quyết chống trả kẻ thù,  chiến đấu đến cùng để trả thù cho đồng đội, xong trận đánh ấy Hải đội đã tìm về để thắp hương cho  đồng đội trong niềm thương tiếc và sâu thẳm trong cõi lòng đã nhắn nhủ những người đồng đội thân yêu của mình rằng: “Hãy nghỉ yên nhé các đồng đội thân yêu ơi! Đã có chúng tôi trả thù cho các đồng chí, luôn bên các đồng chí quyết giữ yên bờ cõi thiên liêng của Tổ quốc”

             Khi còn sức khoẻ, bố mẹ chồng tôi đã mấy lần vào nghĩa trang Quy Nhơn để thăm mộ chị nhưng thời gian trôi qua thật nhanh, bố mẹ chồng tôi đã mất,  mãi đến năm 2010, được Thông báo từ Tỉnh Quy Nhơn về kế hoạch quy hoạch di dời nghĩa trang Quy Nhơn chuyển thành khu công nghiệp từ đó chị tôi được đón về quê nhà.

              Năm nào cũng vậy cứ đến dịp 27/7 chị em chúng tôi lại được gặp chị trong niềm thương tiếc và có những hoạt động tri ân chị. Nhắn nhủ thầm bên chị rằng: chị  đã anh dũng  hy sinh xương máu của chị để dành lại đất nước thanh bình, không còn bóng quân xâm lược, cho nhân dân Việt Nam nói chung và cho các em, các con, các cháu được hưởng hoà bình hạnh phúc như ngày hôm nay. Chị ơi! Chị Ơi! Em muốn nói rằng: Em rất nhớ chị!

                                                                           Em dâu của chị:  Hoàng Thị Dung